Opentalk là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện của Eway về SÁNG TẠO, CÔNG NGHỆ và CUỘC SỐNGVào ngày 16/12 vừa qua, buổi Opentalk tháng 12 đã diễn ra tại Khu sinh hoạt chung của  văn phòng Eway Hà Nội với chủ đề Tư duy sáng tạo. Diễn giả là anh Phan Phương Đạt – một trong những “Cậu bé Vàng” của nền toán học Việt Nam.

 

 

Đến với Opentalk của Eway lần này, anh Đạt chia sẻ với người Eway những nguyên tắc và kỹ thuật để sáng tạo theo phương pháp SIT (Systematic Inventive Thinking). Đây là cách thức để ai cũng có thể tư duy sáng tạo và vận dụng nó vào các lĩnh vực dù là nhỏ nhất, trong cuộc sống và công việc. 

Cùng điểm lại những chia sẻ hữu ích từ anh Đạt nhé!

 

 

Khi được hỏi “Sáng tạo đến từ đâu?” chúng ta thường trả lời: Sáng tạo đến từ việc nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, tạo ra sự khác biệt; sáng tạo đến từ việc nghiên cứu để tìm ra những như cầu mới của thị trường; sáng tạo là ứng dụng công nghệ cao để cho ra đời những sản phẩm tối tân. Các cách này không sai nhưng hơi chung chung.

Sáng tạo trong tiếng Anh có hai từ để chỉ: Creativity (ý tưởng lạ, độc đáo, khó đo đếm) và Innovation (cải tiến từ điều sẵn có, đổi mới mang tính ứng dụng).  Vậy làm thế nào để từ Creativity chuyển đổi thành Innovation? Hãy thử khám phá 2 nguyên tắc và 5 kỹ thuật sáng tạo theo phương pháp SIT  mà anh Phan Phương Đạt giới thiệu dưới đây. 

 

Nguyên tắc 1: Thế giới đóng (Closed world)

Cách tốt nhất và nhanh nhất để sáng tạo là trông vào những tài nguyên trong tay. Don’t do innovate, innovate in what you do.

Ví dụ: Bạn có yêu cầu trang trí một căn phòng mà trong tay chỉ có 1 bó hoa, 1 chậu nước và hai cái bát. Lúc này, bạn thả từng bông hoa vào chậu nước, cắm hoa vào bát ăn cơm. Lúc này, chiếc bát và chậu nước là những “lọ hoa” ngát hương tuyệt đẹp. Vậy là bạn đã có thêm sáng tạo cho căn phòng của mình rồi.

 

 

Nguyên tắc 2: Ý theo hình (Function Follows Form)

Đa số mọi người nghĩ rằng sáng tạo là bắt đầu bằng một vấn đề rồi đi tìm lời giải. Tuy nhiên, SIT khuyến khích chúng ta làm ngược lại, hãy bắt đầu bằng một lời giải và xem nó có thể giải quyết được bài toán nào.

Ví dụ: Ví dụ nếu bạn được hỏi “Có lợi ích gì khi bình sữa đổi màu theo nhiệt độ sữa?”, bạn sẽ nghĩ ngay đến việc nó sẽ giúp làm em bé không bị bỏng. Nhưng nếu bạn được hỏi “Làm sao có thể chắc chắn về nhiệt độ sữa để em bé không bị bỏng?”, thì bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để nghĩ ra cách đổi màu (hoặc bó tay).

Nắm được 2 nguyên tắc đó trong tay, ta đi đến việc khám phá 5 kỹ thuật sáng tạo nền tảng:

 

Kỹ thuật số 1: Loại bỏ bớt (Subtraction): bỏ bớt một thành phần quan trọng của sản phẩm và thử xem “sản phẩm ảo” được cấu thành bởi các thành phần còn lại có thể dùng làm gì. Cách này trái ngược với việc cố đưa thêm thành phần mới vào sản phẩm.

Ví dụ: Chiếc xe đạp nếu mất đi 2 bánh, không thể di chuyển thì nó sẽ đứng yên, trở thành dụng cụ trong phòng tập gym cho những ai muốn đạp xe mà không cần sở hữu một chiếc.

 

 

Kỹ thuật số 2: Nhân lên (Multiplication): nhân một thành phần nào đó của sản phẩm lên và dùng cho việc khác. Ví dụ dao cạo râu lưỡi kép giúp hiệu quả cạo râu tăng lên đáng kể.

Kỹ thuật số 3: Chia ra (Division): chia một sản phẩm thành nhiều phần khác nhau nằm ở những chỗ khác nhau trong tình huống sử dụng. Ví dụ: tách bảng điều khiển ra khỏi TV để khi ngồi ở xa, nằm trên giường xem cũng dễ dàng điều chỉnh mà không phải lại gần TV.

Kỹ thuật số 4: Hợp nhiệm (Task Unification): thêm chức năng cho một tài nguyên sẵn có, hay gộp vài chức năng vào trong một thành phần.

Ví dụ: Biển tên phố vừa giúp người đi đường định hướng đường đi, vừa cung cấp kiến thức lịch sử bổ ích; những chiếc xe đạp khi đi tạo ra năng lượng có thể sạc pin điện thoại.

 

 

Kỹ thuật số 5: Thuộc biến (Attribute Dependency): các thuộc tính của sản phẩm phụ thuộc vào nhau. Ví dụ điện thoại thông minh cung cấp thông tin nhà hàng trên cơ sở tọa độ của bạn (thông tin phụ thuộc vị trí).

Kết thúc buổi chia sẻ, người Eway hào hứng với những ý tưởng mới về cách áp dụng kỹ thuật sáng tạo vào công việc và môi trường xung quanh như: Thay hệ thống điểm danh nhân viên theo hình thức hài hước hơn, mang tính khích lệ, động viên; tận dụng không gian của khán đài làm tủ sách; tận dụng cửa WC để làm bảng thông tin; v.v…

 

Cùng xem video ghi lại những hình ảnh đáng nhớ của buổi trò chuyện này nhé!

 

Thông tin diễn giả Phan Phương Đạt: Hai năm liên tiếp đoạt hai huy chương Olympic Toán quốc tế và được ba đời Thủ tướng tặng bằng khen, anh Phan Phương Đạt nổi tiếng từ thời còn rất trẻ. Gần 20 năm làm việc tại FPT trên nhiều cương vị quan trọng như Giám đốc nhân sự FPT, Phó Tổng Giám đốc FPT Software, Hiệu phó Đại học FPT… TS. Một lãnh đạo FPT thừa nhận: Nếu không có anh Đạt, mục tiêu xuất khẩu phần mềm của FPT Software với hàng chục triệu USD khó thành hiện thực. Hiện anh Đạt là Trưởng ban Đào tạo FUNiX, đồng thời phụ trách Câu lạc bộ Tài năng trẻ FPT (FPT Young Talents – FYT).

Ngọc Ánh