Với định hướng luôn tiếp cận với những Công nghệ, phương thức làm việc mới nhất để trở nên chủ động và đổi mới không ngừng, thứ 5 vừa qua, 25/10/2017, hơn 30 nhân viên là thành viên chủ chốt của các team trong công ty và ban lãnh đạo được tham gia buổi học OKRs từ cô giáo Sarah – chuyên gia Google đến từ Singapore do đích thân anh Đặng Công Nguyên – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Eway mời về giảng dạy và chia sẻ.
OKR (Objectives and Key Results) là một phương thức quản lý biến thể của Quản lý theo mục tiêu, được sinh ra và áp dụng lần đầu tiên bởi Andy Grove tại Intel vào cuối những năm 1970. OKRs hiện đang được áp dụng rộng rãi tại các công ty công nghệ như Google, Zynga, Twitter, LinkedIn… Mục đích của OKRs là kết nối tổ chức, bộ phận và cá nhân để đảm bảo tất cả mọi thành viên tổ chức đi theo đúng hướng đã đề ra.
Buổi học diễn ra trong không khí vô cùng sôi nổi và hào hứng. Mở đầu buổi học, cô Sarah khuấy động không khí bằng một trò chơi nhỏ có tên: “Tìm lá bài bị thiếu”. Luật chơi vô cùng đơn giản: trong thời gian ngắn nhất, tìm ra lá bài bị thiếu. Lớp học được chia thành 3 nhóm. Mỗi nhóm có 3 lần chơi. Trước khi chơi mỗi nhóm có 30 giây suy nghĩ, thảo luận để tìm ra cách chơi nhanh nhất. Một điều thú vị là cả 3 nhóm đều đã cải thiện được kết quả của mình sau mỗi lần chơi. Khi được cô Sarah bật mí kỉ lục nhanh nhất khi chơi trò chơi này là 3 giây, các nhóm như được tiếp thêm động lực và sự khích lệ để cố gắng hơn. Kết thúc trò chơi, nhóm 3 giành chiến thắng với thời gian 2 giây vô cùng đáng ngưỡng mộ.
Xuyên suốt buổi học, học viên được tiếp cận với những thông tin rất hữu ích như: OKRs là gì, Tại sao OKRs lại hữu dụng trong bất kì mô hình công ty nào, Lợi ích khi áp dụng OKRs vào công việc, Phương thức lập và theo dõi OKRs. Quan trọng hơn, để áp dụng OKRs một cách hiệu quả, Ban lãnh đạo công ty cần có tầm nhìn rộng lớn để không chỉ lập ra mục tiêu cho toàn công ty mà còn phải phù hợp với mục tiêu, mong muốn và năng lực của từng phòng ban, từng nhân viên. OKRs là mô hình 2 chiều, để đối soát và cân bằng từ 2 phía. Ứng dụng OKRs trong công việc sẽ giúp cho mọi thành viên của tổ chức bám sát theo mục tiêu ưu tiên đã đề ra, nỗ lực để đạt được mục tiêu của bản thân cũng như của tổ chức, đồng thời giúp cho tổ chức có thể giám sát được hiệu quả của nhiều tầng công việc.
Các học viên được cô Sarah hướng dẫn chi tiết cách lập OKRs cho những mục tiêu của cá nhân theo mô hình chiếc phễu. Hiểu đơn giản là ban đầu chúng ta liệt kê ra tất cả các mục tiêu chúng ta nghĩ, sau đó khoanh vùng từ 3 mục tiêu mình thấy quan trọng hơn, khiến mình hứng thú hơn để theo đuổi bằng cách tự đặt câu hỏi cho mỗi mục tiêu: “Tại sao mình lại theo đuổi mục tiêu này? Nếu theo đuổi mục tiêu này thì mình sẽ đạt được gì?” Tiếp đến, bạn viết ra cách làm chi tiết để thực hiện mục tiêu cùng với con số chỉ tiêu bạn muốn nhắm đến/chinh phục.
Một câu hỏi được rất nhiều học viên quan tâm và hỏi cô Sarah là: “Làm sao để biết được con số chỉ tiêu mình đặt ra là “có thể đạt được” hay “không tưởng”? Để xác định được tính khả thi của con số chỉ tiêu, chúng ta cần dựa trên những kết quả đã đạt được ở giai đoạn trước (tháng trước, quý trước). Tuy nhiên, “có thể đạt được” ở đây không có nghĩa là quá dễ dàng, mà con số này phải khiến mình hứng thú, nỗ lực hết sức để chinh phục. Một lời khuyên đến từ cô Sarah là chúng ta không nên đặt con số chỉ tiêu quá cao, “không tưởng”, vì nó sẽ khiến chúng ta áp lực, mệt mỏi, và dễ nản lòng.
Bên cạnh đặt mục tiêu, đặt các con số chỉ tiêu, thì còn một bước cũng rất quan trọng là đánh giá hiệu quả của cả quá trình đặt mục tiêu và thực hiện mục tiêu. Kết quả “được mong đợi nhất” là 70% so với con số chỉ tiêu đặt ra. Dĩ nhiên, không có gì tuyệt vời và phấn khởi hơn nếu chúng ta có thể đạt được hơn con số ấy. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có một Kế hoạch OKRs chi tiết, khả thi cùng một tinh thần thép để theo đuổi và chinh phục những mục tiêu tham vọng đến cùng.
Chúng tôi tin với sự hướng dẫn tận tình của cô Sarah cùng với những ví dụ thực tế rất đáng giá từ Google, Blogger…nhân viên và ban lãnh đạo Eway đã có cho mình những kiến thức bổ ích để vận dụng và triển khai OKRs thành công trong thời gian sớm nhất.
Duyên Trần